Bảo vệ bên thứ ba ngay tình trong các giao dịch được thừa nhận rộng rãi trong các nền pháp luật tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, quy định về vấn đề này trong Bộ luật Dân sự 2015 còn khá sơ lược, chưa thực sự tạo ra hành lang pháp lý hiệu quả.
Khoản 2, điều 133, Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017) quy định “trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu”.
Chẳng hạn, nếu hợp đồng mua bán nhà bị tuyên vô hiệu nhưng quyền sở hữu nhà liên quan của người mua đã được đăng ký hợp lệ và người mua sau đó bán lại nhà đó cho một người khác và người này tin rằng người mua ban đầu là chủ sở hữu nhà được bán lại do có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà khi mua lại thì giao dịch bán lại nhà không bị vô hiệu.
Bộ luật Dân sự 2015 không đưa ra định nghĩa chung về sự “ngay tình” (good faith) trong giao dịch, nhưng có thể hiểu sự ngay tình chính là việc người thứ ba căn cứ vào việc tài sản đã được đăng ký nên mới tin rằng người chuyển giao tài sản cho mình là người sử dụng hay chủ sở hữu hợp pháp của tài sản, và do đó mới xác lập, thực hiện giao dịch.
Khó khăn liên quan đến việc áp dụng quy định nêu trên trước hết chính là phải hiểu thuật ngữ “chuyển giao” như thế nào cho đúng? Liệu việc đưa tài sản vào trong giao dịch thế chấp hay cầm cố có được xem như là việc chuyển giao tài sản hay không?
Tại một số hội thảo giới thiệu những điểm mới của Bộ luật Dân sự 2015, một số thành viên của ban soạn thảo khẳng định việc thế chấp hay cầm cố tài sản là một trong những hình thức chuyển giao tài sản theo nghĩa của quy định này.
Sự ngay tình chính là việc người thứ ba căn cứ vào việc tài sản đã được đăng ký nên mới tin rằng người chuyển giao tài sản cho mình là người sử dụng hay chủ sở hữu hợp pháp của tài sản, và do đó mới xác lập, thực hiện giao dịch. |
Tuy nhiên, khẳng định này có vẻ khá lạc điệu so với các quy định chung của chính Bộ luật Dân sự 2015 và của một số pháp luật chuyên ngành. Trong Bộ luật Dân sự 2015, chuyển giao tài sản có thể là chuyển giao về mặt vật lý – giao tài sản (điều 161, điều 259 hay điều 274), và cũng có thể là chuyển giao về mặt pháp lý. Nếu xét trong bối cảnh của quy định này thì có thể hiểu việc chuyển giao nêu trên dường như mang nghĩa về mặt pháp lý. Tuy vậy, khi chuyển giao tài sản về mặt pháp lý thì tinh thần chung của Bộ luật Dân sự 2015 lại mang nghĩa là việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản thông qua hợp đồng mua bán (chuyển nhượng), trao đổi, tặng cho, cho vay, hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác hoặc thông qua việc để thừa kế (điều 238, điều 365…).
Về điểm này, điểm d, khoản 2, điều 106, Luật Đất đai quy định Nhà nước thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai. Khoản 10, điều 3, Luật Đất đai nêu rõ chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Nói cách khác, việc chuyển giao tài sản về mặt pháp lý theo Bộ luật Dân sự cũng như pháp luật đất đai dường như chỉ mang nghĩa là chuyển quyền sở hữu tài sản mà thôi.
Dễ thấy hệ quả là khó có thể coi việc cầm cố hay thế chấp tài sản là việc chuyển giao tài sản để ngân hàng nhận cầm cố hay thế chấp có thể hưởng lợi từ quy định bảo vệ bên thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch liên quan đến tài sản được cầm cố hay thế chấp được xác lập trước đó bị vô hiệu. Đây là điều đáng tiếc, bởi theo nguyên tắc thông thường, quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình được thiết kế không chỉ nhằm bảo vệ bên mua ngay tình (bona fide purchaser), mà cả bên nhận bảo đảm ngay tình! Mặc dù Bộ luật Dân sự 2015 chưa có hiệu lực nhưng giới ngân hàng bắt đầu bày tỏ sự tiếc nuối rằng đáng lẽ cụm từ “được chuyển giao bằng” phải được thay bằng “là đối tượng của”. Như thế quy định mới về bảo vệ bên thứ ba ngay tình mới thực sự có ý nghĩa.
Hiện nay Bộ Tư pháp đang dự thảo nghị định hướng dẫn phần quy định về giao dịch bảo đảm trong Bộ luật Dân sự 2015. Một số ý kiến cho rằng nghị định này có thể công nhận việc chuyển giao tài sản trong khoản 2, điều 133 bao gồm cả việc cầm cố hay thế chấp tài sản. Nhưng liệu như thế có trái luật và nếu phát sinh tranh chấp, liệu cách tiếp cận này có được tòa án chấp nhận?
Cần lưu ý, cũng theo khoản 2, điều 133, Bộ luật Dân sự 2015, nếu tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.
Về việc bảo vệ quyền của bên có quyền với tài sản là đối tượng của giao dịch bị vô hiệu, khoản 3, điều 133, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu […] nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”. Hạn chế của quy định này nằm ở chỗ khái niệm “chủ sở hữu” tài sản nêu ở đây chỉ hướng đến các tài sản có đăng ký quyền sở hữu trong khi một tài sản quan trọng được đăng ký mà điều 133 hướng đến là quyền sử dụng đất. Tuy vậy, có thể hiểu tinh thần chung của điều luật này là chủ sở hữu hay chủ thể có quyền khác (quyền sử dụng) đối với tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự ban đầu bị tuyên vô hiệu chỉ có thể yêu cầu hay khởi kiện bên kia của hợp đồng là bên đã xác lập giao dịch với người thứ ba để yêu cầu bồi thường thiệt hại và hoàn trả các chi phí hợp lý khác đã bỏ ra trong việc thực hiện các quyền của mình.
TS. Bùi Đức Giang – Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo BankStar