Thông tư số 48/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về tiền gửi tiết kiệm có hiệu lực thi hành từ ngày 5-7-2019 ngoài việc chính thức công nhận việc nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm bằng phương tiện điện tử, còn có các thay đổi rất đáng chú ý liên quan đến việc sử dụng tiền gửi tiết kiệm làm tài sản bảo đảm.
Câu hỏi đặt ra là khi sử dụng tiền gửi tiết kiệm làm tài sản bảo đảm thì hợp đồng bảo đảm sẽ là hợp đồng cầm cố hay hợp đồng thế chấp? |
Cầm cố hay thế chấp?
Điều 13 của Thông tư 48 quy định: “Tiền gửi tiết kiệm được sử dụng để làm tài sản bảo đảm theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm”. Điều 20 của văn bản này đặt ra nghĩa vụ đối với ngân hàng phải ban hành quy định nội bộ về giao dịch tiền gửi tiết kiệm, trong đó phải có quy định về việc sử dụng tiền gửi tiết kiệm làm tài sản bảo đảm.
Như vậy, (i) đối tượng của biện pháp bảo đảm không còn là thẻ tiết kiệm nữa mà chính là số tiền gửi tiết kiệm, và (ii) NHNN không quy định biện pháp bảo đảm nào sẽ được áp dụng đối với tiền gửi tiết kiệm mà dẫn chiếu việc áp dụng quy định chung về giao dịch bảo đảm. Nói cách khác, các bên phải tự xác lập hợp đồng bảo đảm phù hợp đối với tiền gửi tiết kiệm dựa trên quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo khoản 1 điều 7 Thông tư 48, “thẻ tiết kiệm hoặc sổ tiết kiệm […] là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền tại tổ chức tín dụng, được áp dụng đối với trường hợp nhận tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng”.
Như vậy, thẻ tiết kiệm hoặc sổ tiết kiệm chỉ là giấy tờ xác nhận quyền sở hữu số tiền gửi tiết kiệm. Việc một người khác có trong tay thẻ tiết kiệm hay sổ tiết kiệm không trao cho người này các quyền đối với khoản tiền gửi tiết kiệm. Thực chất tài sản bảo đảm ở đây là số tiền gửi tiết kiệm, chứ không phải là thẻ tiết kiệm hay sổ tiết kiệm. Chính vì thế, cách tiếp cận nêu trên của NHNN là phù hợp.
Theo quy định cũ của NHNN, cầm cố là biện pháp bảo đảm áp dụng cho thẻ tiết kiệm. Tuy vậy, Bộ luật Dân sự 2015 không quy định biện pháp bảo đảm nào sẽ được sử dụng cho tiền gửi tiết kiệm.
Do đó, ngay cả khi Thông tư 48 có hiệu lực, vẫn chưa có được quy định rõ ràng về vấn đề này. Đây là một điều thực sự đáng tiếc, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng vẫn đang mòn mỏi chờ nghị định hướng dẫn chi tiết Bộ luật Dân sự 2015.
Thực ra tiền gửi tiết kiệm chính là số dư được ghi nhận trên tài khoản tiền gửi tiết kiệm được ngân hàng nhận tiền gửi mở riêng cho mỗi giao dịch gửi tiền tiết kiệm. Cần lưu ý, cho dù Thông tư 48 không đặt ra nghĩa vụ cho ngân hàng nhận tiền gửi phải mở một tài khoản tiền gửi tiết kiệm, nhưng xét về phương diện hạch toán nội bộ và để người gửi tiền có thể tra cứu được khoản tiền gửi tiết kiệm như Thông tư này yêu cầu thì có lẽ một tài khoản như thế vẫn là cần thiết.
Trong trường hợp này, số dư này thể hiện quyền đòi nợ của chủ tài khoản đối với ngân hàng và là một loại tài sản vô hình (mà pháp luật Việt Nam gọi dưới một cái tên chưa thực sự chính xác và dễ gây nhầm lẫn là “quyền tài sản”!).
Nếu áp dụng biện pháp cầm cố thì sẽ không phù hợp với bản chất pháp lý của tài sản vô hình là không thể chuyển giao về mặt vật chất. Hơn nữa, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về cầm cố thì sẽ có rủi ro lớn cho ngân hàng nhận cầm cố thẻ tiết kiệm do một ngân hàng khác (là bên nhận tiền gửi) phát hành.
Thực vậy, do về nguyên tắc, cầm cố tài sản chỉ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố (khoản 2 điều 310 của Bộ luật Dân sự 2015), chứ không phải kể từ thời điểm đăng ký, nên biện pháp cầm cố của ngân hàng nhận cầm cố trong trường hợp này không có hiệu lực đối kháng với ngân hàng nhận tiền gửi, bởi vì chỉ có ngân hàng nhận tiền gửi mới có thể là bên nắm giữ số (dư tài khoản) tiền gửi tiết kiệm là đối tượng của cầm cố.
Nói cách khác, nếu ngân hàng nhận tiền gửi sau đó nhận cầm cố chính thẻ tiết kiệm này thì dường như sẽ có quyền ưu tiên thanh toán cao hơn so với ngân hàng nhận cầm cố ban đầu cho dù xác lập cầm cố sau. Hơn nữa, ngay cả trong trường hợp không nhận bảo đảm bằng số tiền gửi tiết kiệm, ngân hàng nhận tiền gửi hoàn toàn có thể thực hiện việc bù trừ nghĩa vụ với bên gửi tiền nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật, gây bất lợi cho ngân hàng nhận cầm cố ban đầu.
Biện pháp thế chấp sẽ phù hợp với tiền gửi tiết kiệm bởi không đặt ra nghĩa vụ giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp (khoản 1 điều 317 của Bộ luật Dân sự 2015) và rộng hơn cũng là biện pháp bảo đảm áp dụng cho tất cả các loại tài sản vô hình. Một ưu điểm khác của biện pháp bảo đảm này là về nguyên tắc thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận thế chấp sẽ được xác định theo thứ tự đăng ký thế chấp.
Nói cách khác, trong trường hợp thế chấp tiền gửi tiết kiệm, ngân hàng nào thực hiện đăng ký biện pháp thế chấp của mình trước sẽ có quyền được thanh toán trước ngân hàng đăng ký sau.
Tài khoản doanh nghiệp
Pháp luật hiện hành không có quy định riêng nào về việc sử dụng số dư tài khoản tiền gửi hay tài khoản thanh toán của doanh nghiệp làm tài sản bảo đảm. Các phân tích ở trên cũng có thể được sử dụng trong các trường hợp này.
Điều đó có nghĩa là biện pháp thế chấp sẽ được áp dụng cho tiền gửi của doanh nghiệp hay số dư tài khoản thanh toán của doanh nghiệp. Tất nhiên trong trường hợp thế chấp tài khoản thanh toán, ngân hàng nên quy định một số dư tài khoản nhất định mà bên thế chấp phải duy trì trong quá trình hợp đồng thế chấp có hiệu lực để bảo đảm được việc có thể xử lý thế chấp sau này.
Trong cả trường hợp thế chấp tiền gửi của cá nhân lẫn của doanh nghiệp, cần có thỏa thuận cấm bên thế chấp không được rút hoặc thực hiện các giao dịch khác đối với tiền gửi đã thế chấp để bảo toàn giá trị của tài sản thế chấp.
Trong trường hợp bên nhận thế chấp không phải là ngân hàng nhận tiền gửi, cũng nên có cam kết của ngân hàng nhận tiền gửi về việc (i) không cho phép bên thế chấp thực hiện các giao dịch này, (ii) không thực hiện việc bù trừ nghĩa vụ làm giảm giá trị tài sản thế chấp, và (iii) sẽ hợp tác với ngân hàng nhận thế chấp trong việc xử lý tài sản thế chấp về sau.
Tuy vậy, do thế chấp tiền gửi hay số dư tài khoản thanh toán là biện pháp bảo đảm quan trọng nên thiết nghĩ nhà làm luật cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để tránh các rủi ro không đáng có cho các bên liên quan.
TS. Bùi Đức Giang, Giảng viên BankStar
Nguồn Kinh tế Sài gòn