Luật đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2016 có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2017 (LĐGTS) đã thiết lập một hành lang pháp lý mới về đấu giá tài sản. Văn bản này có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều chủ thể trong nền kinh tế trong đó có các tổ chức tín dụng (TCTD) bởi vì đấu giá tài sản là phương thức bán tài sản phổ biến nhất để xử lý tài sản bảo đảm và tài sản thi hành án.
Một số quy định mới
LĐGTS bổ sung việc đấu giá theo thủ tục rút gọn (điều 53), được áp dụng trong một số trường hợp, đặc biệt là khi đấu giá lại trong trường hợp đã đấu giá lần thứ hai nhưng vẫn không thành.
Về các hình thức tiến hành cuộc đấu giá, ngoài hai cách truyền thống là đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá và đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, LĐGTS đã bổ sung thêm hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp và đấu giá trực tuyến. Cần lưu ý, theo tinh thần của khoản 1, điều 40 luật này, tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá chỉ được thỏa thuận lựa chọn một trong bốn hình thức này để tiến hành cuộc đấu giá.
Theo quy định tại điều 39, LĐGTS, người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước theo mức do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Đặc biệt, người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước nếu (i) đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc đấu giá, buổi công bố giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng; (ii) bị truất quyền tham gia đấu giá; (iii) từ chối ký biên bản đấu giá; (iv) rút lại giá đã trả hoặc giá đã chấp nhận; hoặc (v) từ chối kết quả trúng đấu giá. Trong các trường hợp này, tiền đặt trước thuộc về người có tài sản đấu giá.
Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được ký kết trực tiếp giữa người có tài sản đấu giá với người trúng đấu giá hoặc giữa người có tài sản đấu giá, người trúng đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản nếu các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (khoản 2, điều 46, LĐGTS). LĐGTS cũng không quy định các nội dung mà hợp đồng mua bán tài sản đấu giá bắt buộc phải có nữa mà chỉ nêu nguyên tắc chung là “hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự”. Cần lưu ý, người trúng đấu giá được coi như chấp nhận giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá kể từ thời điểm đấu giá viên công bố người trúng đấu giá, trừ trường hợp người trúng đấu giá từ chối ký biên bản đấu giá hoặc từ chối kết quả trúng đấu giá (khoản 3, điều 46, LĐGTS).
Người có tài sản đấu giá
Khoản 5, điều 5, LĐGTS định nghĩa “người có tài sản đấu giá là cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản[1], người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền bán đấu giá tài sản hoặc người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật“.
Điểm b, khoản 1, điều 303, Bộ luật dân sự (BLDS) cho phép TCTD được tự bán tài sản bảo đảm[2]. Về nguyên tắc, với phương thức xử lý tài sản bảo đảm này, TCTD có thể bán đấu giá hoặc không thông qua bán đấu giá. Tuy nhiên nếu theo đúng câu chữ của khoản 5, điều 5 nêu trên thì dường như điểm b, khoản 1, điều 303, BLDS không nói rõ TCTD có quyền đưa tài sản ra đấu giá.
Như vậy, để TCTD có thể chủ động ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá tài sản thì trong hợp đồng bảo đảm phải nêu rõ quyền của ngân hàng được “tự bán tài sản bảo đảm thông qua đấu giá hoặc không qua đấu giá“. Lúc này mới thỏa mãn được yêu cầu có thỏa thuận của các bên về việc TCTD có quyền đưa tài sản ra đấu giá nêu tại khoản 5, điều 5 nêu trên.
Điểm a, khoản 1, điều 303, BLDS quy định các bên có thể thỏa thuận về việc xử lý tài sản bảo đảm thông qua “bán đấu giá tài sản“. Khoản 5, điều 5 cũng nêu rõ là người có tài sản đấu giá cũng có thể là “người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền bán đấu giá tài sản“. Để TCTD được quyền chủ động bán đấu giá tài sản thì trong hợp đồng bảo đảm cần có (i) một điều khoản ủy quyền theo đó bên bảo đảm (là chủ sở hữu tài sản) ủy quyền cho TCTD bán đấu giá tài sản hoặc (ii) quy định rõ TCTD có quyền đưa tài sản ra bán đấu giá.
Cần lưu ý đối với tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất thì theo quy định tại điều 81, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, dường như TCTD có quyền mặc nhiên được đưa tài sản ra đấu giá mà không cần có sự đồng ý của bên thế chấp.
Một khó khăn khác liên quan đến việc xác định người có tài sản đấu giá trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm. Theo quy định tại khoản 2, điều 303, BLDS “trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm […] thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác”. Tuy vậy, điều luật này không chỉ rõ ai có quyền bán đấu giá tài sản bảo đảm. Nếu áp dụng khoản 5, điều 5, LĐGTS thì có vẻ bên bảo đảm với tư cách là chủ sở hữu tài sản sẽ có quyền này trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (điều này sẽ khó xảy ra trong thực tế!) vào thời điểm xử lý bảo đảm.
Rõ ràng như phân tích ở trên, hợp đồng bảo đảm cần có các điều chỉnh tương ứng để TCTD có thể thực hiện quyền bán đấu giá tài sản bảo đảm trừ trường hợp các văn bản hướng dẫn thi hành LĐGTS quy định rõ TCTD là người có tài sản đấu giá đối với trường hợp đấu giá tài sản bảo đảm.
Đối với việc xử lý tài sản để thi hành án, trong trường hợp tài sản kê biên là động sản có giá trị từ trên 10.000.000 đồng và bất động sản, do chấp hành viên có quyền ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản (khoản 2, điều 101, Luật thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014(Luật thi hành án dân sự)), nên có thể hiểu chấp hành viên là người có quyền đưa tài sản ra đấu giá, tức là chấp hành viên là người có tài sản đấu giá.
Xác định giá khởi điểm
Khoản 3, điều 5, LĐGTS định nghĩa “giá khởi điểm là giá ban đầu thấp nhất của tài sản đấu giá trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên; giá ban đầu cao nhất của tài sản đấu giá trong trường hợp đấu giá theo phương thức đặt giá xuống”. Đây là mức giá cơ sở được sử dụng để đối chiếu với các mức giá được người tham gia đấu giá trả trong cuộc đấu giá nhằm xác định người trúng đấu giá.
Giá khởi điểm của tài sản đấu giá được xác định trước khi ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản (điểm a, khoản 1, điều 8, LĐGTS). Điểm a, khoản 2, điều 8, LĐGTS quy định “giá khởi điểm được xác định theo quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đó”. Như vậy đối với tài sản bảo đảm, giá khởi điểm sẽ được xác định theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; còn đối với tài sản thi hành án dân sự sẽ áp dụng quy định của pháp luật về thi hành dân sự.
Khoản 1, điều 306, BLDS nêu rõ : “bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận về giá tài sản bảo đảm hoặc định giá thông qua tổ chức định giá tài sản khi xử lý tài sản bảo đảm. Trường hợp không có thỏa thuận thì tài sản được định giá thông qua tổ chức định giá tài sản”. Theo đó, vào thời điểm xử lý tài sản bảo đảm, các bên có thể thỏa thuận về mức giá khởi điểm để đấu giá tài sản bảo đảm hoặc thỏa thuận lựa chọn một tổ chức định giá nhằm xác định mức giá này. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tài sản sẽ được định giá thông qua tổ chức định giá tài sản. Vấn đề ở đây là nếu TCTD là người có tài sản đấu giá thì có thể tự mình xác định và ký hợp đồng định giá với một tổ chức định giá nhất định nào đó hay không? Điều này đặc biệt quan trọng trong trường hợp bên bảo đảm trước đó không hợp tác với TCTD để xử lý tài sản bảo đảm và TCTD đã buộc phải thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm nhưng sau đó bên bảo đảm vẫn không hợp tác trong việc xác định giá tài sản bảo đảm để đấu giá. Có vẻ khoản 1, điều 306, BLDS ngầm định trao cho TCTD quyền này.
Theo quy định tại điều 98, Luật thi hành án dân sự, “ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thỏa thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó. Giá tài sản do đương sự thỏa thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá. Trường hợp đương sự có thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá đó”. Nếu đương sự không thỏa thuận được về giá và không thỏa thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá hoặc tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn từ chối việc ký hợp đồng dịch vụ thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản, Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản kê biên. Nếu không thực hiện được việc ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá thì chấp hành viên sẽ tự xác định giá khởi điểm để đấu giá tài sản kê biên.
Cần lưu ý là điểm mới của LĐGTS là giá khởi điểm của tài sản đấu giá không nhất thiết phải được công khai khi thực hiện thủ tục niêm yết hay thông báo công khai việc đấu giá tài sản, hoặc khi tiến hành cuộc đấu giá.
Nguyên tắc công khai, minh bạch
Một trong số các nguyên tắc đấu giá tài sản nêu tại LĐGTS là việc đấu giá phải bảo đảm tính công khai, minh bạch (khoản 2, điều 6).
Trên tinh thần này, điều 34, LĐGTS đặt ra nghĩa vụ mới đối với tổ chức đấu giá tài sản phải ban hành quy chế cuộc đấu giá áp dụng cho từng cuộc đấu giá trước ngày niêm yết việc đấu giá tài sản và trách nhiệm thông báo công khai quy chế này.
Tương tự, theo điều 35, LĐGTS, tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết một số thông tin liên quan về cuộc đấu giá[3] trước trước ngày mở cuộc đấu giá và phải lưu tài liệu, hình ảnh về việc niêm yết đấu giá tài sản trong hồ sơ đấu giá. Đối với trường hợp niêm yết tại ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đấu giá thì tổ chức đấu giá tài sản phải lưu tài liệu, hình ảnh về việc niêm yết hoặc lập văn bản có xác nhận về việc niêm yết của ủy ban nhân dân cấp xã. Điều 57, LĐGTS quy định trong trường hợp đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, ngoài thủ tục niêm yết việc đấu giá tài sản, đối với tài sản đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ năm mươi triệu đồng trở lên và bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản (do Bộ tư pháp xây dựng và quản lý); mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 2 ngày làm việc. Cũng theo điều luật này thì tổ chức đấu giá tài sản cũng có nghĩa vụ lưu tài liệu, hình ảnh về việc thông báo công khai trong hồ sơ đấu giá.
Trong thực tế có thể xảy ra trường hợp người của tổ chức đấu giá đề xuất với cán bộ phụ trách việc xử lý tài sản bảo đảm thông qua đấu giá của TCTD việc chỉ mời một số người tham gia đấu giá, chứ không thực hiện thủ tục niêm yết việc đấu giá tài sản và thông báo công khai việc đấu giá tài sản. Cách làm này rõ ràng vi phạm quy định của LĐGTS và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là liệu kết quả đấu giá tài sản có thể bị hủy trong trường hợp này hay không?
Theo khoản 3, điều 72 và khoản 6, điều 33, một trong các trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản là khi hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản bị hủy bỏ do tổ chức đấu giá tài sản không thực hiện việc niêm yết đấu giá tài sản hay không thông báo công khai việc đấu giá tài sản. Tuy vậy khoản 6, điều 33 nêu rõ việc hủy bỏ hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản đơn thuần là quyền của người có tài sản đấu giá. Trong trường hợp TCTD là người có tài sản đấu giá không thực hiện quyền này thì hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản sẽ không bị hủy bỏ và do đó không có căn cứ để hủy kết quả đấu giá tài sản. Nói cách khác, bên bảo đảm là chủ sở hữu tài sản không thể yêu cầu hủy kết quả đấu giá tài sản và đây thực sự là một điều không hợp lý và có nguy cơ làm giảm đáng kể hiệu quả của các cơ chế công khai thông tin về tài sản đấu giá.
Từ những phân tích ở trên có thể thấy LĐGTS có khá nhiều quy định mới sẽ tác động trực tiếp tới các TCTD trong quá trình thu hồi nợ. Một số quy định của văn bản luật này vẫn còn chưa rõ ràng hay gây bất lợi cho TCTD. Hy vọng các bất cập này sẽ ít nhiều được khắc phục trong các văn bản hướng dẫn thi hành sẽ được ban hành trong thời gian tới.
[1] Đối với đất đai, cần hiểu khái niệm quyền sở hữu tài sản ở trong điều luật này bao gồm cả quyền sử dụng đất.
[2] Về các phương thức xử lý tài sản bảo đảm, xem thêm Bùi Đức Giang, “Xử lý tài sản bảo đảm theo Bộ luật Dân sự 2015″, Tạp chí Ngân hàng số 1+2, tháng 1/2017.
[3] Bao gồm tên, địa chỉ của tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá, tên tài sản hoặc danh mục tài sản, số lượng, chất lượng của tài sản đấu giá; nơi có tài sản đấu giá; giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đấu giá; thời gian, địa điểm xem tài sản đấu giá; thời gian, địa điểm bán hồ sơ tham gia đấu giá; giá khởi điểm của tài sản đấu giá trong trường hợp công khai giá khởi điểm; tiền mua hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước; thời gian, địa điểm, điều kiện, cách thức đăng ký tham gia đấu giá; thời gian, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá; hình thức đấu giá, phương thức đấu giá.
TS. Bùi Đức Giang – BankStar