Nếu chọn hình thức vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm, người dân có thể được vay với lãi suất thấp hơn so với vay thông thường nhưng rủi ro luôn rình rập.
TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản cảnh báo cho vay bằng cầm cố sổ tiết kiệm . Cơ quan này cho hay qua công tác thanh tra, giám sát cho thấy có hiện tượng một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho khách hàng vay vốn có đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn vay theo quy định.
Nở rộ vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm
Thực tế, chỉ cần lên Google gõ cụm từ “cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm” thì có khoảng 3.170.000 kết quả trong thời gian chỉ có 0,48 giây. Rất nhiều ngân hàng quảng cáo, giới thiệu về hình thức cho vay thế chấp bằng chính sổ tiết kiệm với hạn mức lên đến 95%-100% giá trị sổ tiết kiệm.
Điều này có nghĩa, nếu sổ tiết kiệm 1 tỉ đồng, khách hàng có thể được vay một tỉ đồng. Không chỉ vậy, với hình thức cho vay này, thủ tục rất đơn giản và ngân hàng có thể giải ngân ngay lập tức mà không cần hỏi nhu cầu vay vốn của khách hàng, hoặc người vay không cần kê khai bất kỳ điều gì về mục đích sử dụng.
Nhiều khách hàng cho biết gửi tiết kiệm, sau đó cần tiền xử lý gấp công việc nhưng nếu rút tiền gửi trước hạn thì theo quy định sẽ phải chịu lãi suất không kỳ hạn rất thấp. Do đó nhiều người chọn vay cầm cố sổ tiết kiệm, chấp nhận lãi suất vay cao hơn lãi suất gửi tiền trên sổ tiết kiệm nhưng kỳ hạn vay ngắn hơn. Với cách làm này, khách hàng được hưởng lợi lớn.
Chị Tuyết Nga (quận Tân Bình, TP.HCM) kể chị đang có sổ tiết kiệm trị giá 1,5 tỉ đồng kỳ hạn sáu tháng với lãi suất cuối kỳ là 8,03%/năm và đến ngày 5-10-2019 sổ tiết kiệm này mới đáo hạn. Nhưng bây giờ khi chị muốn rút vì gia đình cần dùng thì được nhân viên ngân hàng cho biết sẽ mất toàn bộ số tiền lãi ước khoảng 60 triệu đồng. Tuy vậy, nhân viên ngân hàng tư vấn cho chị vay bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm với lãi suất chênh lệch là 2,5%/năm và chỉ được vay đến đúng ngày đáo hạn sổ tiết kiệm.
Trước đề nghị hấp dẫn này, chị Nga đã chấp nhận ngay. “Tôi chỉ phải chi trả khoản lãi vay chênh lệch 2,5% trong 20 ngày, tương đương hơn 1 triệu đồng thay vì mất gần hết 60 triệu đồng số tiền lãi cho kỳ hạn sáu tháng” – chị Nga giải thích.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ: Với hình thức cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm, ngân hàng đã nắm chắc tài sản đảm bảo chính là sổ tiết kiệm, tức có giá trị tương đương tiền mặt, nên sản phẩm cho vay cầm cố sổ tiết kiệm được xem là có tính an toàn cao.
Không ít rủi ro
Đại diện một số ngân hàng khẳng định rằng việc cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm an toàn cao nhưng TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, lại cho rằng điều này là không hoàn toàn đúng.
Ông Tín ví dụ, giả sử một doanh nghiệp nhỏ đang có nhu cầu vay vốn của ngân hàng khoảng 500 triệu đồng. Để được phê duyệt khoản vay này, họ sẽ phải trải qua rất nhiều bước trong quy trình cấp tín dụng. Nhưng họ gần như biết chắc mình không phải đối tượng để ngân hàng chấp thuận khoản vay do không thể cung cấp đủ các giấy tờ như ngân hàng yêu cầu; phương án kinh doanh không tốt; phương án trả nợ không tốt…
Đứng trước tình thế trên, doanh nghiệp này thuê một dịch vụ hoặc một ai đó mở sổ tiết kiệm với khoản tiền tương ứng 500 triệu đồng. Sau thời gian ngắn, người thuê, dịch vụ thuê tiến hành làm thủ tục cầm cố sổ tiết kiệm. Với cách này, doanh nghiệp vừa được hưởng lãi suất vay thấp hơn nhiều so với đi vay tín dụng đen, đồng thời không phải chứng minh bất cứ thủ tục nào trong toàn bộ quy trình kiểm duyệt khắt khe khi phê duyệt khoản vay của ngân hàng.
“Chính vì nhìn thấy những kẽ hở trong quy trình cho vay bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm mà không có phương án kinh doanh nên Ngân hàng Nhà nước mới phải ra văn bản cảnh báo. Việc cảnh báo này là hợp lý” – ông Tín khẳng định.
Tương tự, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết: Trên thế giới, hình thức cho vay bằng cách cầm cố sổ tiết kiệm được gọi là “tín dụng ma” và nhiều nước tiên tiến cấm cho vay loại này. “Hình thức cho vay này có nguy cơ tạo ra một loại tài sản ảo trên sổ sách ngân hàng tại thời điểm cho vay và có thể sẽ khiến mặt bằng lãi suất tăng. Do vậy, động thái của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết để kiểm soát dòng vốn tín dụng” – ông Hiếu nhấn mạnh.
Cụ thể hơn, theo ông Hiếu, việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm tiềm ẩn rủi ro. Giả sử khách hàng A gửi tiết kiệm 100 tỉ đồng vào ngân hàng, khi đó ngân hàng sẽ sử dụng nguồn vốn này để cho vay và phục vụ các hoạt động khác. Trong trường hợp ngân hàng cho khách hàng B vay 80 tỉ đồng, sau đó khách hàng A đến để vay lại trên chính sổ tiết kiệm 80 tỉ đồng, ngân hàng sẽ ghi trên tài sản có là 160 tỉ đồng, trong khi nguồn vốn chỉ 100 tỉ đồng. Điều này tạo rủi ro về thanh khoản.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia cho rằng việc cho vay, cầm cố bằng sổ tiết kiệm là một nghiệp vụ khá phổ biến, được nhiều ngân hàng triển khai. Tuy nhiên, việc này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro cho cả khách hàng lẫn ngân hàng. Vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước siết cho vay cầm cố sổ tiết kiệm là cần thiết. Động thái này không chỉ hạn chế tình trạng tăng dư nợ khống tại một số ngân hàng mà còn giảm thiểu các rủi ro như làm giả sổ tiết kiệm để cầm cố vay vốn. Thực tế, thời gian qua đã xuất hiện một số trường hợp khách hàng vẫn giữ sổ tiết kiệm nhưng tiền đã bị rút thông qua các khoản vay cầm cố, hoặc có trường hợp khách hàng thông đồng với nhân viên tín dụng làm giả sổ tiết kiệm, giả chữ ký để rút khống tiền.
Xử lý nghiêm ngân hàng cố tình vi phạm
Vay thế chấp sổ tiết kiệm là hình thức vay thế chấp tài sản tại ngân hàng, khi khách có sẵn một sổ tiết kiệm trong ngân hàng thì có thể sử dụng sổ tiết kiệm đó để vay một nguồn vốn nhất định nhằm phục vụ cho các mục đích: Vay mua xe ô tô, vay mua nhà, vay kinh doanh, vay tiêu dùng… Lãi suất vay thế chấp sổ tiết kiệm khá hấp dẫn, có ngân hàng chỉ 7%/năm.
Tuy nhiên, nhiều ngân hàng không chú trọng thẩm định mục đích sử dụng vốn đối với các khoản vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm. Điều này dẫn đến tình trạng mất an toàn thanh khoản cũng như rủi ro tại các ngân hàng.
Chính vì vậy, để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ khoản vay. Đặc biệt là kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân vốn vay đối với các khoản vay đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm. Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng cố tình vi phạm.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh