Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm và nếu thời hạn đó kết thúc thì chủ thể này mất quyền khởi kiện. Đối với các ngân hàng, do việc xử lý nợ thông qua khởi kiện là một kênh quan trọng để đòi vốn và lãi, nên những thay đổi về thời hiệu khởi kiện sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của hoạt động này.
Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng được nâng từ 2 năm theo Bộ luật dân sự 2005 lên thành 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 429). Cần lưu ý Điều 184, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 nêu rõ thời hiệu khởi kiện sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự 20151.
Hạn chế dễ thấy của Bộ luật dân sự 2015 (có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2017) nằm ở chỗ bộ luật này chưa có các quy định cụ thể giúp xác định ngày mà quyền và lợi ích hợp pháp của bên khởi kiện bị xâm phạm trong quan hệ hợp đồng, đặc biệt khi hành vi xâm phạm xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau hay đối với nghĩa vụ mà các bên không thỏa thuận hoặc pháp luật không quy định thời hạn thực hiện. Điều này, sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới việc áp dụng pháp luật trừ khi ngành Tòa án có các hướng dẫn chi tiết về vấn đề này.
Thời hiệu khởi kiện hợp đồng tín dụng
Như nêu ở trên, theo quy định mới, thời hiệu để ngân hàng khởi kiện đòi lãi đối với khoản vay sẽ là 3 năm. Như vậy, ngân hàng sẽ có thêm thời gian để quyết định khởi kiện và đây là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, Điều 155, Bộ luật dân sự 2015 nêu 4 trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện, bao gồm (i) yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản, (ii) yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, (iii) tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai và (iv) trường hợp khác do luật quy định. Trong các trường hợp này có thể khởi kiện vào bất cứ thời điểm nào tính từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể liên quan bị xâm phạm, chứ không bị hạn chế bởi thời hiệu 3 năm nêu ở trên. Dễ thấy trong danh sách này không có tranh chấp về đòi lại tài sản được quy định tại Điều 159, Bộ luật tố tụng dân sự 2004 – vốn là cơ sở pháp lý mà ngân hàng dựa vào để yêu cầu Tòa án không áp dụng thời hiệu khởi kiện đòi nợ gốc của các khoản tín dụng đã cấp. Điều đó, có nghĩa là theo quy định mới, thời hiệu để ngân hàng khởi kiện đối với nợ gốc (thường được hiểu là bao gồm cả việc xử lý tài sản bảo đảm) về nguyên tắc dường như chỉ còn là 3 năm, trừ trường hợp Luật các tổ chức tín dụng có quy định khác2! Nói cách khác, dường như sẽ không còn có sự khác biệt về thời hiệu khởi kiện giữa việc đòi nợ gốc và đòi nợ lãi như hiện nay nữa!
Một số ý kiến cho rằng, có thể coi tranh chấp đòi nợ gốc là một dạng yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu bởi vì tranh chấp về quyền sở hữu tập trung vào tranh chấp về đòi tài sản trong khi đó, đòi tài sản gắn liền với quyền sở hữu nên chừng nào quyền sở hữu tồn tại thì quyền đòi tài sản vẫn tồn tại. Tuy vậy, trong quan hệ vay tài sản, nguyên tắc chung là bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó (Điều 464, Bộ luật dân sự 2015), tức là bên vay trở thành chủ sở hữu của số tiền vay nhận được khi ngân hàng giải ngân. Sau khi đã giải ngân số tiền vay cho bên vay, cái mà ngân hàng có được chính là quyền được hoàn trả nợ gốc và lãi quy định trong hợp đồng vay mà xét về bản chất pháp lý chính là quyền đòi nợ mà ngân hàng có đối với bên vay trên cơ sở hợp đồng vay này. Việc ngân hàng khởi kiện bên vay chính là để thu hồi nợ hay nói chính xác hơn là để yêu cầu Tòa án can thiệp để được bên vay thanh toán quyền đòi nợ của mình đã đến hạn. Nói cách khác, việc ngân hàng thực hiện quyền đòi nợ gốc dường như không phải là để bảo vệ quyền sở hữu của mình! Hơn nữa, theo hướng dẫn hiện hành của Tòa án nhân dân tối cao thì tranh chấp về quyền sở hữu tài sản là tranh chấp ai có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản đó và loại tranh chấp này tách bạch với tranh chấp về đòi lại tài sản. Thêm vào đó, người làm luật chủ ý đưa cụm từ “bảo vệ” trước cụm từ “quyền sở hữu”, có lẽ là để nhấn mạnh thêm việc tranh chấp liên quan đến việc công nhận quyền sở hữu (hay một trong các quyền cấu thành quyền sở hữu) đối với tài sản. Chính vì thế, có vẻ như không thể coi tranh chấp đòi nợ gốc là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu để hưởng việc không bị hạn chế về thời hiệu khởi kiện.
Tuy việc giới hạn thời hiệu khởi kiện đòi nợ gốc không phải là cách tiếp cận mang tính cá biệt của pháp luật Việt Nam song nếu xét một cách tổng thể, thời hiệu 3 năm cho việc khởi kiện đòi nợ gốc và lãi đối với một khoản vay là tương đối ngắn và chưa thực sự phù hợp, bởi vì sau khi bên vay vi phạm nghĩa vụ hoàn trả, (i) ngân hàng có thể xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, (ii) sử dụng một số cách thức khác để đòi nợ trước khi tính đến việc khởi kiện và (iii) trong trường hợp tài trợ dự án, thường phải chờ cho đến khi dự án phát sinh nguồn thu hay tài sản thuộc dự án được hình thành để khởi kiện đòi nợ (và yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm nếu có) nếu đó là các tài sản duy nhất của bên vay…
Pháp luật của một số nước phát triển quy định thời hiệu dài hơn và có sự phân biệt rõ thời hiệu khởi kiện đối với nợ gốc, lãi và khoản vay có bảo đảm. Chẳng hạn, theo quy định của pháp luật Anh, nếu hợp đồng vay được lập dưới dạng văn bản chính thống (deed, có tính chất trang trọng như văn bản công chứng theo pháp luật Việt Nam), thời hiệu khởi kiện sẽ là 12 năm trong khi thời hiệu này chỉ là 6 năm nếu hợp đồng vay được lập dưới dạng văn bản thông thường (simple contract). Đối với khoản vay có bảo đảm, thời hiệu khởi kiện đòi nợ gốc là 12 năm trong khi ngân hàng chỉ có thể khởi kiện trong thời hạn 6 năm đối với dư nợ lãi. Thời điểm bắt đầu tính thời hiệu là từ ngày phát sinh quyền nhận số tiền liên quan. Theo đó, nếu hợp đồng vay quy định một thời điểm hoàn trả khoản vay thì thời hiệu sẽ bắt đầu được tính từ thời điểm này; nếu hợp đồng vay quy định rằng, việc xảy ra hay không xảy ra một sự kiện nhất định làm phát sinh nghĩa vụ hoàn trả, thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày xảy ra hay không xảy ra sự kiện đó. Nếu hợp đồng vay quy định rằng, yêu cầu hoàn trả từ phía bên cho vay là điều kiện tiên quyết cho quyền được hoàn trả của bên cho vay thì thời hiệu khởi kiện sẽ không được tính cho tới khi yêu cầu đó được lập. Nếu hợp đồng vay không quy định ngày hoàn trả và không đặt ra điều kiện theo đó việc trả nợ phụ thuộc vào việc phải có yêu cầu hoàn trả lập bởi bên cho vay hay đại diện của bên cho vay hay phụ thuôc vào bất cứ điều kiện nào khác thì thời hiệu khởi kiện sẽ được tính từ ngày mà yêu cầu hoàn trả khoản nợ bằng văn bản được lập bởi bên cho vay hay đại diện của bên cho vay3.
Giải pháp nào?
Có thể thấy, trong khi các ngân hàng đang phải tăng cường nhân sự quản lý rủi ro và vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi đòi nợ bằng phương thức khởi kiện, quy định mới về thời hiệu của Bộ luật dân sự có nguy cơ sẽ gia tăng rủi ro không thu được nợ cho các ngân hàng do hết thời hiệu khởi kiện. Đây không phải là một tín hiệu tốt cho việc giải quyết nợ xấu trong bối cảnh hiện nay.
Khi thời hiệu khởi kiện bị rút ngắn, ngân hàng cần quản lý tốt hơn các khoản vay và khi phát hiện vi phạm của bên vay trong việc trả nợ thì phải có các phương án kịp thời, bao gồm cả việc khởi kiện, tránh tình trạng hết thời hiệu khởi kiện.
Bên cạnh đó, Điều 157, Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định thời hiệu khởi kiện có thể bắt đầu lại trong trường hợp bên vay đã thừa nhận nghĩa vụ trả nợ hoặc đã thanh toán một phần khoản vay hoặc bên cho vay và bên vay đã tự hòa giải về việc thanh toán khoản nợ. Khi đó, thời hiệu khởi kiện sẽ bắt đầu lại kể từ ngày tiếp sau ngày xảy ra một trong số các sự kiện này. Ngân hàng có thể vận dụng quy định này để tránh tình trạng hết thời hiệu khởi kiện, đặc biệt là thông qua việc yêu cầu bên vay xác nhận nợ đối với mình hay thanh toán một phần (dù là rất nhỏ) khoản vay cho mình.
Hơn nữa, một trong các điểm mới của cả Bộ luật dân sự 2015 lẫn Bộ luật tố tụng dân sự 2015 nằm ở chỗ Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án. Điều đó, có nghĩa là nếu bên vay hay bên bảo đảm không yêu cầu áp dụng thời hiệu để hưởng lợi từ việc ngân hàng hết thời hiệu khởi kiện thì Tòa án sẽ vẫn thụ lý và giải quyết tranh chấp4.
Tuy vậy, nếu nhìn xa hơn để bảo vệ tốt hơn ngân hàng trong việc đòi nợ, thiết nghĩ, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét đề xuất sửa Luật các tổ chức tín dụng theo hướng tăng thời hiệu khởi kiện đối với các hợp đồng tín dụng cho cả dư nợ gốc và lãi cũng như đối với các khoản vay có bảo đảm.
TS. Bùi Đức Giang – BankStar
1 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 chỉ nêu lại một số nguyên tắc chung về thời hiệu đã được quy định trong Bộ luật dân sự 2015.
2 Cần lưu ý Luật các tổ chức tín dụng hiện hành không đề cập tới vấn đề thời hiệu khởi kiện hợp đồng tín dụng.
3 Xem thêm, Encyclopaedia of Banking Law, LexisNexis UK, 2016, paras 430-443.
4 Cần lưu ý, theo quy định tại khoản 2, Điều 149, Bộ luật dân sự, người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.