Thị trường mua bán nợ sẽ từng bước phát triển, sôi động hơn, góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu theo hướng minh bạch và hiệu quả hơn.
Thị trường mua bán nợ sẽ sôi động
Xử lý nợ xấu (XLNX) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, luôn được ngành Ngân hàng ráo riết thực hiện trong những năm gần đây. Lũy kế từ năm 2012 đến cuối tháng 9/2017, tổng số nợ xấu được NH xử lý đạt 685,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 393,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 57,4%), còn lại là bán nợ cho VAMC và các tổ chức, cá nhân khác (chiếm 42,6%). Nhờ đó, nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 9/2017 là 158,9 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,34%.
Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách thận trọng, một số khoản nợ có thể tiềm ẩn trở thành nợ xấu cộng với nợ xấu nội bảng và nợ bán cho VAMC chưa xử lý được thì con số nợ xấu ước tính khoảng 558,0 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 8,62% tổng dư nợ tín dụng, giảm so với mức 10,08% của cuối năm 2016.
Thị trường mua bán nợ sẽ từng bước phát triển, sôi động hơn, góp phần đẩy nhanh quá trình XLNX |
Nguyên nhân khiến nợ xấu chưa được xử lý dứt điểm trong thời gian qua, theo nhận định của NHNN là do: Khả năng trả nợ của khách hàng vẫn còn hạn chế do kinh tế vĩ mô chưa được cải thiện nhiều, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn; một số khách hàng chây ì, ý thức trả nợ kém, không hợp tác với NH trong việc xử lý tài sản đảm bảo để trả nợ. Vẫn còn nhận thức về nguyên nhân gây ra nợ xấu chưa đầy đủ, quan điểm coi nợ xấu là của NH và NH phải chịu trách nhiệm chính trong XLNX khiến cho các biện pháp xử lý chưa đủ mạnh và chưa đồng bộ.
Và một trong những khó khăn lớn nhất đối với NH khi XLNX là khung pháp lý liên quan đến XLNX, tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập; quyền chủ nợ chưa được pháp luật bảo vệ đúng mức. Cùng với đó chúng ta còn thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích để hỗ trợ TCTD trong XLNX. Hành lang pháp lý để vận hành thị trường mua bán nợ còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực tài chính dành cho XLNX gặp nhiều khó khăn làm hạn chế năng lực và kéo dài thời gian XLNX của các TCTD và VAMC. Các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản, cho vay theo chỉ định chưa được xử lý dứt điểm. Thủ tục tố tụng, thi hành án còn nhiều vướng mắc làm chậm quá trình thu hồi nợ xấu của các TCTD và VAMC…
Chính vì thế, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với XLNX giai đoạn 2016 – 2020”; Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm XLNX của các TCTD; và mới đây nhất là Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD đã tạo nên hành lang pháp lý đồng bộ, tạo kỳ vọng việc XLNX sẽ nhanh và hiệu quả hơn.
Thu hồi, XLNX hiệu quả hơn
Trên cơ sở các văn bản pháp lý này, NHNN Việt Nam đã được giao nhiệm vụ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan rà soát những khó khăn, vướng mắc về pháp lý trong XLNX, tài sản bảo đảm của TCTD, VAMC và phát triển thị trường mua bán nợ.
Những kế hoạch đồng bộ với nhiều giải pháp, mục tiêu cụ thể, đã, đang được các đơn vị triển khai như sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng: Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho TCTD, VAMC, Công ty trách nhiệm hữu hạn mua bán nợ Việt Nam (DATC), các DN khác có chức năng kinh doanh mua bán nợ tham gia XLNX hiệu quả, triệt để trong các giai đoạn tiếp theo.
Đồng thời các vụ, cục chức năng của NHNN nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về: hoạt động mua, bán nợ của các DN; khung pháp lý cho hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua bán nợ; hoàn thiện quy định pháp luật về chứng khoán, trong đó xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giao dịch nợ trên thị trường chứng khoán và chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán… NHNN đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan hoàn thiện khung pháp lý phát triển thị trường mua bán nợ.
Với các giải pháp đồng bộ nêu trên, thị trường mua bán nợ sẽ từng bước phát triển mạnh mẽ, sôi động hơn, góp phần đẩy nhanh quá trình XLNX theo hướng minh bạch và hiệu quả hơn.
Để tạo động lực giúp VAMC hoạt động thu hồi nợ xấu hiệu quả hơn, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, ngoài nhóm giải pháp thị trường mua bán nợ, Nghị quyết 42 đã tạo hành lang pháp lý giúp VAMC triển khai mạnh mẽ công tác mua nợ theo giá trị thị trường và xử lý nợ; nâng cao năng lực tài chính của VAMC; tăng quyền chủ động cho VAMC và TCTD trong việc thỏa thuận để xác định giá mua nợ xấu theo giá trị thị trường…
Việc Nghị quyết 42 cho phép VAMC được mở rộng đối tượng bán nợ xấu cho các pháp nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ và được mua bán nợ theo giá thị trường đã bảo đảm quyền bình đẳng trong hoạt động xử lý nợ của VAMC như các TCTD, góp phần thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển và giúp VAMC xử lý nợ hiệu quả hơn.
Ngay sau khi Nghị quyết 42 được ban hành, NHNN đã ban hành Thông tư bổ sung, điều chỉnh các quy định về mua, bán và XLNX phù hợp với Nghị quyết 42; hướng dẫn đơn giản hóa thủ tục chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá trị thị trường. Đề án nâng cao năng lực của VAMC cũng đang được hoàn thiện để trình Chính phủ phê duyệt. Những giải pháp đồng bộ nêu trên đã tạo động lực mạnh mẽ cho các TCTD và VAMC đẩy mạnh thực hiện mua, bán nợ theo giá trị thị trường, XLNX, tài sản bảo đảm của khoản nợ, góp phần quan trọng thu hút nhà đầu tư tham gia mua nợ, thúc đẩy việc XLNX của VAMC hiệu quả hơn…
theo Đức Nghiêm TBNH