Luật doanh nghiệp mới sẽ làm khó ngân hàng khi cho vay?

Luật doanh nghiệp 2014 (LDN 2014) đã chính thức có hiệu lực. Có khá nhiều quy định mới trong văn bản này sẽ có tác động đáng kể đến việc cho vay và nhận tài sản bảo đảm của ngân hàng.

Tìm hiểu thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vay

Để đảm bảo tuân thủ quy định về điều kiện cho vay do Ngân hàng Nhà nước ban hành, ngân hàng phải tìm hiểu xem liệu dự án đầu tư và phương án sản xuất, kinh doanh mà bên vay đề xuất có phù hợp với hoạt động kinh doanh mà bên vay đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh hay không. Nếu như trước đây, khi xem xét hồ sơ pháp lý của khách hàng, chỉ cần xem giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là ngân hàng có thể biết được thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì theo quy định của LDN 2014,  ngân hàng bắt buộc phải (i) kiểm tra điều lệ do bên vay cung cấp (do ngành nghề kinh doanh không còn là một nội dung bắt buộc trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nữa) hoặc (ii)  đề nghị cung cấp thông tin về nội dung đăng ký doanh nghiệp (do ngành, nghề kinh doanh là nội dung đăng ký kinh doanh mà doanh nghiệp bắt buộc phải công bố) thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hoặc trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh với điều kiện phải trả phí (điều 33 và 34). Dễ nhận thấy cách tìm thông tin thứ hai đáng tin cậy hơn. Tuy nhiên, nó cũng sẽ khiến ngân hàng tốn thêm chi phí và thời gian, nhất là trong bối cảnh cho tới thời điểm hiện tại, do một số yếu tố mang tính kỹ thuật về hệ thống thanh toán phí, việc tìm thông tin qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Xác định thẩm quyền của người ký hợp đồng

Trong thực tế có khá nhiều hợp đồng tín dụng và bảo đảm bị Tòa án tuyên bố vô hiệu do người ký hợp đồng không có thẩm quyền nhân danh doanh nghiệp vay. Điều 13, LDN 2014 mở ra khả năng đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phẩn được có nhiều người đại diện theo pháp luật với điều kiện điều lệ công ty phải quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật đó. Một câu hỏi đặt ra là trong trường hợp một trong số những người đại diện xác lập hợp đồng vay hay bảo đảm vượt quá phạm vi đại diện của mình thì sẽ dẫn tới hệ quả pháp lý nào? Rất tiếc là LDN 2014 chưa đưa ra được giải pháp cho vấn đề này. Về điểm này, pháp luật của Anh quy định vì lợi ích của mọi bên thứ ba giao dịch với một công ty một cách ngay tình, quyền hạn của các giám đốc (người đại diện) được nhân danh công ty (hoặc ủy quyền lại cho người khác hành động nhân danh công ty) được coi như không chịu bất cứ giới hạn nào theo các văn bản nội bộ của công ty. Nói cách khác, một bên giao dịch với công ty không có nghĩa vụ phải tìm hiểu việc giới hạn thẩm quyền của người đại diện trong điều lệ và được coi là hành động ngay tình trừ khi công ty có thể chứng minh được điều ngược lại. Hy vọng cách tiếp cận theo hướng bảo vệ bên thứ ba ngay tình này sẽ được ghi nhận trong các văn bản hướng dẫn áp dụng LDN 2014 hay trong Bộ luật dân sự sửa đổi.

Thông qua hợp đồng vay hay hợp đồng bảo đảm

Theo tinh thần của LDN 2014, một số hợp đồng vay có giá trị (tỷ lệ cụ thể được quy định trong điều lệ) của doanh nghiệp vay phải có sự đồng ý của hội đồng thành viên hay hội đồng quản trị của bên vay. Một cách rộng hơn, điều lệ có thể trao cho Hội đồng thành viên hay Hội đồng quản trị thẩm quyền phê chuẩn mọi hợp đồng vay và/hoặc hợp đồng bảo đảm. Khoản 3, điều 61 và khoản 1, điều 154 đều quy định chủ tọa  và người ghi biên bản họp để thông qua hợp đồng – là những người ký tên trên biên bản –  phải chịu trách nhiệm liên đới về tính trung thực và chính xác của nội dung biên bản họp. Vấn đề đặt ra ở đây là nếu phát hiện nội dung biên bản thiếu chính xác hay gian dối, liệu hợp đồng vay có bị tác động (chẳng hạn vô hiệu) hay không? Liệu ngân hàng chỉ có thể khởi kiện người ghi biên bản và chủ tọa cuộc họp còn công ty hay các thành viên/cổ đông khác không phải chịu trách nhiệm gì đối với ngân hàng? Cần lưu ý khi hợp đồng vay vô hiệu, bên vay chỉ phải hoàn trả nợ gốc chứ không phải thanh toán tiền lãi cho ngân hàng. Một giải pháp mà ngân hàng có thể nghĩ tới là vẫn là yêu cầu biên bản họp hội đồng thành viên hay hội đồng quản trị phải có chữ ký của tất cả các thành viên dự họp hay đại diện theo ủy quyền của họ.

Hợp đồng có cần phải được đóng dấu?

Điều 44 của LDN 2014  trao cho doanh nghiệp toàn quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu cũng như việc quản lý và sử dụng con dấu trong điều lệ của mình. Điều này đồng nghĩa với việc điều lệ bên vay có thể quy định việc có phải đóng dấu hợp đồng giao dịch với bên thứ ba hay không và giá trị pháp lý của con dấu. Doanh nghiệp chỉ phải thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Như vậy, nếu như trước đây ngân hàng thường yêu cầu bên vay cung cấp cho mình giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu còn thời hạn hiệu lực do cơ quan công an cấp thì từ nay để biết chính xác xem con dấu có phải là của bên vay hay không và hệ quả pháp lý của việc đóng dấu thì ngân hàng lại phải tự mình tra cứu điều lệ của bên vay và tìm hiểu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hay tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ xem xét hồ sơ pháp lý của bên vay.

Bảo đảm khoản vay bằng tài sản của bên thứ ba

LDN 2014 quy định người quản lý doanh nghiệp (người đại diện theo pháp luật, giám đốc, chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng quản trị…) không được sử dụng tài sản của công ty để phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác (điều 14.1, 71.1 (b) và 160.1(c)). Quy định này không mới song điều đáng nói là điều 72 và 161 của văn bản này chính thức luật hóa việc khởi kiện trách nhiệm dân sự của người quản lý. Hệ quả dễ thấy là người quản lý công ty sẽ do dự hoặc không ký hợp đồng bảo đảm bằng tài sản của công ty để bảo đảm khoản vay cho một cá nhân hay tổ chức khác trừ trường hợp thành viên hay cổ đông công ty – những người có quyền khởi kiện – ra nghị quyết chấp thuận hợp đồng bảo đảm. Điều này có nguy cơ làm cho việc cho vay bảo đảm bằng tài sản của người thứ ba – vốn khá phổ biến trên thế giới nhưng lại gây khá nhiều tranh cãi trong thực tế ở Việt Nam trong thời gian vừa qua – sẽ trở nên mong manh hơn.

Tìm hiểu nội dung điều lệ

Như đã nêu ở trên, việc có được bản điều lệ cập nhật của doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với ngân hàng khi xem xét hồ sơ pháp lý của bên vay trong khi rất nhiều nội dung của điều lệ mà ngân hàng cần biết lại không thuộc nội dung đăng ký doanh nghiệp phải được công bố.

Đối với công ty cổ phần, điểm a, khoản 1, điều 171 quy định điều lệ được công bố trên trang thông tin điện tử (nếu có) của công ty. Tương tự, doanh nghiệp Nhà nước phải công bố điều lệ trên trang thông tin điện tử của công ty và của cơ quan đại diện chủ sở hữu (điểm a, khoản 1, điều 108). Tuy nhiên, do (i) không phải doanh nghiệp nào cũng có trang thông tin điện tử, (ii) các điều luật này không quy định rõ nghĩa vụ của doanh nghiệp phải công bố điều lệ cập nhật nhất, và (iii) doanh nghiệp có thể viện ra lỗi kỹ thuật về mạng để trốn tránh nghĩa vụ này, nên việc tìm kiếm thông tin điều lệ trên trang thông tin điện tử có thể sẽ không thực sự khả thi. LDN 2014 không cấm rõ ràng việc cơ quan đăng ký kinh doanh – là đơn vị quản lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp – được cung cấp điều lệ cho ngân hàng song do có thể có nhiều thông tin nhạy cảm trong điều lệ (như cơ chế chia lợi nhuận, việc phân bổ lỗ…) cần được bảo mật nên trong thực tế cơ quan đăng ký kinh doanh có thể sẽ từ chối đề nghị cung cấp điều lệ của doanh nghiệp. Nói cách khác, trong trường hợp này ngân hàng chỉ có thể trông đợi vào sự ngay tình của doanh nghiệp vay mà thôi.

BankStar